Thứ Tư, 11 tháng 11, 2020

TRANG CHỦ - Danh Mục 37 Nhà thơ Nobel


Thơ Nobel. 37 Nhà thơ đoạt giải








































HUY CHƯƠNG NOBEL

Giải thưởng Nobel là một trong những giải thưởng Quốc tế uy tín nhất. Những người đoạt giải được công bố vào tuần thứ hai của tháng mười hàng năm. 

Alfred Nobel là nhà hóa học, kỹ sư và nhà phát minh. Phát minh nổi tiếng nhất của ông là thuốc nổ. Năm 1888, thay vì cáo phó về người anh là Ludvig Emmanuel Nobel qua đời, một tờ báo Pháp đã đăng bức ảnh của Alfred Bernhard Nobel với cáo phó tên là: “Người buôn bán tử thần đã qua đời”. Alfred Nobel tự hỏi mình sẽ giữ lại kỷ niệm nào cho đời. Sau đó, ông quyết định thay đổi di chúc đã viết trước đây. Gần một năm trước khi qua đời vào ngày 27 tháng 11 năm 1895, Alfred Nobel đã quyết định bán tất cả tài sản của mình và gửi vào một ngân hàng. Thu nhập từ vốn lẫn lãi của số tiền này phải thuộc về một Quỹ và sẽ phân phối chúng hàng năm dưới dạng tiền thưởng cho những người trong năm trước đã mang lại lợi ích lớn nhất cho nhân loại.

Theo Điều lệ của Quỹ Nobel ngày 29 tháng 6 năm 1900: “Các tổ chức trao giải thưởng Nobel phải cung cấp cho mỗi người đoạt giải thưởng tiền mặt, bằng chứng nhận và huy chương vàng có hình Alfred Nobel với dòng chữ tương ứng”.

Huy chương các giải thưởng về Vật lý, Hóa học, Văn học, Sinh lý học và Y khoa do nhà điêu khắc, thợ khắc người Thụy Điển Erik Lindberg thiết kế. Huy chương của giải thưởng hòa bình - do nhà điêu khắc người Na Uy, ông Gustav Vigeland thiết kế. Huy chương của giải Kinh tế do Gunvor Svensson-Lundqvist thiết kế.

Ở mặt trước của các huy chương về Vật lý, Hóa học, Văn học, Sinh lý học và Y khoa là chân dung của Alfred Nobel và năm sinh, năm mất của ông bằng chữ số La Mã - MDCCCXXXIII - MDCCCXCVI. Chân dung của Alfred Nobel ở các huy chương của giải Hòa bình và giải Kinh tế có chút khác biệt với nhau. Dòng chữ chính ở mặt sau của các huy chương giải Vật lý, Hóa học, Văn học, Sinh lý học và Y khoa có nội dung: “Inventas vitam juvat excoluisse per artes” (Phát minh làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn thông qua nghệ thuật khám phá), và hình ảnh thay đổi theo các biểu tượng của các tổ chức tương ứng trao giải thưởng Nobel. Ở mặt sau của huy chương giải Hòa bình có dòng chữ: “Pro pace et fraternitate gentium” (Vì hòa bình và tình huynh đệ). Ở mặt sau của huy chương giải Kinh tế không có trích dẫn nào cả. 


Các huy chương Nobel có thiết kế giống nhau kể từ năm 1902. Vậy thì tại sao không từ năm 1901, khi các giải thưởng đầu tiên được trao? Vào đầu năm 1901, nhà điêu khắc, thợ khắc tài năng người Thụy Điển Erik Lindberg được giao nhiệm vụ thiết kế các huy chương Nobel của Thụy Điển. Việc thiết kế huy chương của người Na Uy cho giải thưởng Hòa bình được giao cho nhà điêu khắc người Na Uy, ông Gustav Vigeland. Nhưng thiết kế mặt trái của huy chương Nobel Thụy Điển đã không được hoàn thành trước lễ trao giải đầu tiên vào năm 1901. Những người đoạt các giải Nobel năm 1901 đều nhận được một huy chương tạm thời - trên đó có khắc chân dung của Alfred Nobel - như một món quà lưu niệm cho đến khi huy chương thật hoàn thành. Huy chương thật đầu tiên được hoàn thành vào tháng 9 năm 1902. 

Trong những năm 1901-1902, Erik Lindbergh sống ở Paris. Ông chịu sự ảnh hưởng của các họa sĩ khắc Pháp thời kỳ đó. Bức chân dung của Nobel trên mặt trái của các huy chương Thụy Điển đã được hoàn thành đúng hạn vào tháng 10 năm 1901. Lý do của sự chậm trễ là các biểu tượng ở mặt sau của các huy chương cần được tất cả các tổ chức trao giải thưởng Nobel chấp thuận, nhưng một số mâu thuẫn nảy sinh ở đây. Sau những cuộc thảo luận kéo dài, Erik Lindbergh quyết định quay trở lại Stockholm vào tháng 11 năm 1901 để trình bày ý tưởng của mình. Các đề xuất của ông sau đó đã được chấp nhận và cuối cùng ông đã làm khuôn thạch cao để đúc các huy chương nhưng đã không thể hoàn thành đúng thời hạn. 

Trên tất cả các huy chương Nobel Thụy Điển, tên của những người đoạt giải được khắc rõ ràng ở mặt sau, còn tên của những người đoạt giải giải Hòa bình và Kinh tế được khắc trên cạnh của huy chương và không mấy rõ ràng. Điều này tạo ra một số vấn đề nhất định cho những người đoạt giải thưởng Nobel Kinh tế năm 1975 – đó là nhà kinh tế người Liên Xô Leonid Kantorovich và nhà kinh tế người Mỹ Tjalling Koopmans. Huy chương của họ bị trao nhầm ở Stockholm, sau lễ trao giải Nobel, những người đoạt giải trở về quê hương của họ với những huy chương sai tên. Vì điều này xảy ra trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, phải mất bốn năm nỗ lực ngoại giao để trao đổi huy chương giữa các chủ sở hữu.

Một câu chuyện thú vị khác đã xảy ra với các huy chương Nobel của ba người đoạt giải vật lý trong Thế chiến II: người Đức Max von Laue (1914), người Đức Do Thái James Franck (1925), và người Đan Mạch Niels Bohr (1922). Từ năm 1933, Viện Vật lý Lý thuyết của Giáo sư Bohr tại Copenhagen đã trở thành nơi ẩn náu cho các nhà vật lý người Đức gốc Do Thái. Max von Laue và James Frank đã để lại huy chương Nobel của họ ở đó để tránh bị chính quyền Đức tịch thu. Sau khi Đan Mạch bị chiếm đóng vào tháng 4 năm 1940, Bohr bắt đầu lo lắng về sự an toàn của các huy chương, theo hồi ký của nhà hóa học người Hungary gốc Do Thái George de Hevesy (giải Nobel hóa học năm 1943), người làm việc tại cùng viện. Ở Đức Quốc xã, việc chuyển vàng ra nước ngoài được coi là một hành vi phạm tội rất nghiêm trọng. Vì tên của những người đoạt giải đã được khắc trên các huy chương nên việc nhận ra chúng là không hề khó khăn và hậu quả của việc này là rất nghiêm trọng. Một trích dẫn từ hồi ký của George de Hevesy: “Tôi đã đề nghị giấu huy chương, nhưng Bohr không thích ý tưởng đó vì cho rằng người ta có thể tìm thấy chúng. Tôi quyết định đem làm hòa tan chúng. Trong khi lính Đức đang tuần tra dọc theo các đường phố Copenhagen, tôi đã kịp làm hòa tan các huy chương của James Frank và Max von Laue. Sau chiến tranh, Quỹ Nobel đã hào phóng trao tặng huy chương Nobel mới cho Laue và Frank”. Hevesy đã viết cho Laue sau chiến tranh rằng việc làm hòa tan các huy chương là khó khăn vì vàng là một kim loại cực kỳ không phản ứng. Lính Đức quốc xã đã chiếm viện Bohr và lục soát rất kỹ càng nhưng không tìm thấy gì. Các huy chương được làm tan chảy trong dung dịch vodka hoàng gia. Hevesy không đề cập đến huy chương Nobel của Niels Bohr. Nhưng các tài liệu Lưu trữ về Niels Bohr ở Copenhagen cho thấy huy chương của ông cũng như huy chương Nobel về Sinh lý học và Y khoa năm 1920 của August Krogh đã được tặng cho cuộc đấu giá tổ chức ngày 12 tháng 3 năm 1940 để ủng hộ Quỹ Cứu trợ Phần Lan. Các huy chương này được một người giấu tên mua lại và tặng cho Bảo tàng Lịch sử Đan Mạch, nơi chúng vẫn được lưu giữ cho đến ngày nay. 

Mặt trước của các huy chương Vật lý, Hóa học, Văn học, Sinh lý học và Y khoa là giống nhau như đã nói ở trên. Mặt sau của huy chương Nobel Văn học mô tả một chàng trai trẻ ngồi dưới cây nguyệt quế, đang say mê lắng nghe và ghi lại bài hát của Nàng thơ. Dòng chữ trên huy chương có nội dung: “Inventas vitam juvat excoluisse per artes”. (Sáng tạo làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn thông qua nghệ thuật khám phá). Nội dung này lấy ý tưởng từ hai câu thơ trong thiên sử thi Aeneid của Virgil (Khúc ca VI, dòng 662-663):

Quique pii vates et Phoebo digna locuti,
Inventas aut qui vitam excoluere per artis,
(Cho những ai trong số các nhà tiên tri nói rằng chỉ Phoebus là xứng đáng
Cho những ai tô điểm cho đời bằng cách tạo ra nghệ thuật cho người phàm).

Cũng cần nói rằng câu “Inventas vitam juvat excoluisse per artes” dịch ra tiếng Việt có thể dịch theo nghĩa đen hoặc bóng và cho từng lĩnh vực cũng cần phải dịch tương thích. Thí dụ từ “phát minh” dùng trong các lĩnh vực Vật lý, Hóa học hay Sinh lý học và Y khoa thì trong Văn học phải là “sáng tạo”… 
Phía dưới hình của Nàng thơ và chàng trai trẻ khắc tên người được trao giải và dòng chữ “ACAD. SUEC” (viết tắt của Viện Hàn lâm Thụy Điển). Huy chương giải Nobel Văn học do Eric Lindbergh thiết kế. 


Mặt sau huy chương Nobel Sinh lý học và Y khoa mô tả Thiên tài Y học giữ cuốn sách mở trên đùi và hứng dòng nước chảy từ vách đá để làm dịu cơn khát của một cô gái bị bệnh. Dòng chữ trên huy chương Nobel Sinh lý học và Y khoa có nội dung như trên Huy chương Nobel Văn học đã nói trên. Phía dưới hình của Thiên tài Y học và cô gái khắc tên người được giải và dòng chữ: “REG. UNIVERSITAS MED. CHIR. CAROL” (viết tắt của từ Hội đồng Nobel của Viện Karonlinska). Huy chương giải Nobel Sinh lý học và Y khoa do Eric Lindbergh thiết kế. 

Hình nghiêng của Alfred Nobel ở mặt trước của huy chương Nobel Hòa bình hơi khác so với chân dung của ông trên các huy chương khác. Trên mặt sau của huy chương này là ba người đàn ông đứng thành vòng tròn trong vòng tay anh em bè bạn. Dòng chữ trên huy chương có nội dung: “Pro pace et fraternitate gentium” (Vì hòa bình và tình huynh đệ). Dòng chữ “Prix Nobel de la Paix” (Giải Nobel Hòa bình), năm trao giải và tên của người đoạt giải được khắc trên cạnh của huy chương. Huy chương giải Nobel Hòa bình do Gustav Vigeland thiết kế.

Mặt sau huy chương Nobel Vật lý và Hóa học (giống hệt nhau) mô tả nữ thần Tự nhiên nổi lên từ đám mây cầm trên tay sừng dê hoa quả (Cornucopia) tượng trưng cho sự phong phú và giàu có. Đứng bên cạnh là Thiên tài Khoa học đang hé mở chiếc khăn choàng che đầu Nữ thần Tự nhiên. Dòng chữ trên Huy chương Nobel Vật lý và Hóa học có nội dung như trên Huy chương Nobel Văn học đã nói trên. Phía dưới hình của Thiên tài Khoa học và Nữ thần Tự nhiên là tên của người đoạt giải và dòng chữ: “REG. ACAD. SCIENT. SUEC” (Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển). Huy chương giải Nobel Vật lý và Nobel Hóa học do Eric Lindbergh thiết kế. 

Mặt trước của Huy chương Nobel Kinh tế khắc hình nghiêng của Alfred Nobel và hai chiếc sừng dê hoa quả (Cornucopia) chéo nhau ở phía bên dưới. Dòng chữ vòng quanh ghi: “Sveriges Riksbank till Alfred Nobels Minne 1968” (Ngân hàng Trung ương Thụy Điển tưởng nhớ Alfred Nobel). Trên mặt sau của Huy chương là biểu tượng của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển dưới dạng ngôi sao Bắc Đẩu, ba vương miện nhỏ và một lớn ở trên cùng. Dòng chữ trên mặt sau của huy chương có nội dung: “Kungliga Vetenskaps Akademien” (Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển). Huy chương Nobel Kinh tế do Gunvor Svensson-Lundqvist thiết kế.