Thứ Bảy, 24 tháng 12, 2016

Anatole France - Giải Nobel Văn học năm 1921


Anatole France (tên thật là François-Anatole Thibault, 16 tháng 4 năm 1844 – 13 tháng 10 năm 1924) – nhà văn Pháp đoạt giải Nobel Văn học năm 1921 “vì những tác phẩm xuất sắc mang phong cách tinh tế, chủ nghĩa nhân văn sâu sắc và khí chất Gôloa đích thực”. Ông là một tiểu thuyết gia thành công với nhiều cuốn sách bán chạy nhất. Với vẻ mỉa mai, chua chát và hoài nghi, ông được coi là một nhà văn lý tưởng của nước Pháp. France cũng được nhiều người tin là hình mẫu trong tác phẩm Đi tìm thời gian đã mất của Marcel Bergotte. 

Tiểu sử:
Anatole France sinh ở Paris, là con của một chủ cửa hàng sách, từ nhỏ đã ham mê văn học, nghệ thuật. Học ở trường Collège Stanislas. Trong thập niên 1860, France tiếp xúc với nhóm Parnasse và xuất bản tập thơ đầu tiên (1873). Sau đó ông chuyển sang viết văn xuôi và thật sự có tiếng tăm khi cuốn tiểu thuyết Le crime de Sylvestre Bonnard (Tội ác của Sylvestre Bonnard, 1881) ra đời và được nhận giải thưởng Viện Hàn lâm Pháp. Trong thập niên 1890, ông viết nhiều bài phê bình văn học cho Le Temps (Thời báo) và in thành 4 tập sách với tên La vie littéraire (Đời sống văn học).

Những năm cuối thế kỉ 19 và đầu thế kỉ 20, tư tưởng và sáng tác của Anatole France đã có những thay đổi. Ông từ bỏ lập trường người quan sát để trở thành chiến sĩ đấu tranh cho nền dân chủ. Cụ thể là trước kia ông thường miêu tả cuộc sống và con người thời kỳ Trung cổ hoặc thời kỳ suy vong của chế độ phong kiến, thì nay ông viết về các sự kiện lịch sử và xã hội đương đại, đồng thời tiếp tục truyền thống nhân văn chủ nghĩa của Rabelais và Voltaire, phê phán nền cộng hòa thứ ba của Pháp, chế giễu không thương xót những kẻ gây chiến tranh xâm lược tàn khốc. Năm 1921 ông được trao giải Nobel Văn học vì “những tác phẩm xuất sắc mang phong cách tinh tế, chủ nghĩa nhân văn sâu sắc và khí chất Gô-loa đích thực”..

Anatole France là một trong những nhà văn lớn nhất của nước Pháp thời cận đại, trải qua một con đường khó khăn và phức tạp từ chủ nghĩa nhân đạo ảo tưởng đến chủ nghĩa hiện thực cách mạng. Ngoài văn xuôi, France còn là một nhà thơ, nhà phê bình xuất sắc nhất về thực tế đương đại của nước Pháp. Ông thể hiện sự yếu kém và suy giảm đạo đức của bản chất con người, sự không hoàn hảo và sự quái gỡ của đời sống xã hội, của phong tục, của quan hệ con người, nhưng trong những lời chỉ trích của ông có một sự hòa giải đặc biệt, sự chiêm niệm triết học và sự thanh thản được sưởi ấm bằng tình cảm yêu thương đối với nhân loại. Ông không phán xét và không giảng đạo đức, mà chỉ đào sâu vào ý nghĩa của các hiện tượng tiêu cực. Đấy là sự kết hợp của sự mỉa mai với một tình yêu dành cho những người có một sự hiểu biết nghệ thuật về cái đẹp trong tất cả các hình thức của cuộc sống và là một đặc trưng trong các tác phẩm của ông. Đối với thơ ca, France cho rằng: “Thơ hay cũng giống như một sự ghép nối với những phần rung động trong bản thể của chúng ta. Không của riêng mình – ý nghĩ của ta buộc nhà thơ phải hát lên trong ta. Kể cho ta nghe về người phụ nữ mà nhà thơ yêu, đánh thức trong hồn ta tình yêu và nỗi khổ của ta. Nhà thơ là nhà ảo thuật. Hiểu được nhà thơ, chúng ta trở thành những nhà thơ như anh ta”. Và ông quan niệm: “Việc làm thơ gần với việc thờ cúng hơn là như ta tưởng”.

Anatole France qua đời ngày 13 tháng 10 năm 1924 và được chôn cất tại nghĩa trang Neuilly-sur-Seine gần Paris.

Tác phẩm:
*Những câu thơ vàng (Poèmes dorés, 1873), thơ
*Đám cưới ở Corinthe (Les Noces corinthiennes, 1876), kịch thơ
*Jocaste và con mèo gầy (Jocaste et Le Chat maigre, 1879), truyện
*Tội ác của Sylvestre Bonnard Le Crime de Sylvestre Bonnard, membre de l'Institut, 1881), tiểu thuyết
*Những khát vọng của Jean Servien (Les Désirs de Jean Servien, 1872-1882), tiểu thuyết
*Sách của bạn tôi (Le Livre de mon ami, 1885), hồi ký
*Balthasar (1889), truyện ngắn
*Đời sống văn học (La vie littéraire, 1888-1892), phê bình văn học, 4 tập
*Thaïs (1890) tiểu thuyết
*Chiếc rương xà cừ (L’Étui de nacre, 1892), tập truyện
*Cửa hàng thịt quay của nữ hoàng Pédauque (La Rôtisserie de la reine Pédauque, 1893), tiểu thuyết
*Những ý kiến của Jêrôme Coignard (Les Opinions de Jérôme Coignard, 1893), tiểu thuyết
*Bông huệ đỏ (Le Lys rouge, 1894), tiểu thuyết
*Vườn Epicure (Le Jardin d'Épicure, 1894), tập cách ngôn
*Cái giếng của Thánh nữ Claire (Le puits de Sainte Claire, 1895), tập truyện
*Pierre Nozière (1899), hồi kí
*Chuyện thời nay (L'histoire contemporaine, gồm 4 tiểu thuyết:
*Cây đu trên đường dạo chơi (L'Orme du mail, 1897),
*Hình người bằng cây liễu (Le Mannquin d'osier, 1897),
*Chiếc nhẫn tử thạch anh (L'Anneau d'amethyste, 1899) và
*Ông Bergeret ở Paris (Monsieur Bergeret à Paris, 1901)
*Clio (1900), tập truyện
*Dư luận xã hội (Opinions sociales, 1902), tiểu luận
*Vụ việc Crainquebille (L'Affaire Crainquebille, 1901), truyện ngắn, năm 1903 chuyển thể thành vở kịch Crainquebille
*Nhà thờ và nền cộng hòa (L'église et la république, 1904), tiểu luận
*Crainquebille, Putois, Riquet và những câu chuyện có ích khác (Crainquebille, Putois Riquet et plusieurs autres récits profitables, 1904), tập truyện ngắn
*Trên phiến đá trắng (Sur la piere blanche, 1905), tiểu thuyết
*Hướng đến những thời tốt đẹp hơn (Ver les temps meilleurs, 1906), tiểu luận
*Đảo Pingouins  L'Île des Pingouins, 1908), tiểu thuyết
*Đời Jeanne d'Arc (Vie de Jeanne d'Arc, 1908), truyện danh nhân lịch sử
*Bảy người vợ của Râu Xanh (Les Sept Femmes de Barbe bleue et autres contes merveilleux, 1909), tập truyện
*Thần linh khát (Les Dieux ont soif, 1912), tiểu thuyết
*Thần Latin (Le Génie latin, 1913), tiểu luận
*Thiên thần nổi loạn (La Révolte des anges, 1914), tiểu thuyết
*Trên đường vinh quang (Sur la voie glorieuse, 1915), tập tiểu luận
*Những người bị giết của chúng ta nói gì (Ce que disent nos morts, 1916), tập tiểu luận
*Pierre bé nhỏ (Le Petit Pierre, 1918), hồi ký
*Cuộc sống nở hoa (La Vie en fleur, 1922), hồi ký
*Đối thoại dưới hoa hồng (Les dialogues sous la rose, 1917-1924, in năm 1925), tiểu luận triết học




Một số bài thơ

CÂY
(Les arbres)

Cây nở hoa trong vẻ đẹp yên bình
Cho đồng ruộng và núi đồi sống động
Bao thế hệ cây màu xanh tĩnh lặng
Sống bằng mặt trời và những giọt sương.

Niềm đam mê sinh ở chốn trần gian
Vẫn khát khao hướng về nguồn ánh sáng
Mẹ thánh thiện đem tình yêu ban tặng
Cho các người, ấm áp tỏa mùi hương.

Các người tựa như khát vọng được sinh
Khát vọng nở hoa trong ngày thánh thiện
Dù ngày trước linh hồn mong nổi loạn
Từ hỗn mang hồn tìm thấy cho mình.

Trong giới hạn của vật chất lặng câm
Rễ các người cắm sâu vào lòng đất
Nhân lên cuộc đời xua đi cái chết
Giá trị cuộc đời còn đến muôn năm.




ƯỚC MONG
(Le désir) 

Ước mong nơi trần thế chỉ vô thường
Niềm khát khao lớn nhanh rồi tàn lụi
Người phụ nữ như hoa tàn lụi ấy
Còn giữ hồn ta cùng với mùi hương.

Đôi bàn tay mềm mại như đất kênh
Rất nhẹ nhàng quấn vòng tròn quanh cổ
Trước khi cái vòng dịu êm bị vỡ
Gợi cho ta niềm hạnh phúc lâng lâng.

Mái tóc đen chảy bồng bềnh như đêm
Vào sâu thẳm sang trọng và tăm tối
Liệu có ai có thể chìm mãi mãi
Vào cái chết và trong bóng của mình?

Lỗ mũi giống như đôi cánh rung lên
Trong niềm kiêu hãnh chứa đầy khinh miệt
Rằng tất cả đấy là lần sau chót
Rằng sự biệt ly đã đến rất gần.

Đôi bờ môi tựa như cánh hoa hồng
Lòng say đắm khi bờ môi khẽ chạm
Đó là vũ khí của đêm gợi cảm
Lửa cháy lên rồi hoa bỗng héo hon.

Hai đôi môi dường như đã dính liền
Nụ hôn dài dường như nhầm mục đích
Làm sao giữ ngọn lửa dường đã tắt
Khi tro tàn trên bờ ngực mong manh?


TÂM HỒN CỦA BÉ
(Âmes obscures) 

Trong thiên nhiên bất biến
Khi đứa bé vừa sinh
Thì ý thức trẻ con
Nhận ra điều bí hiểm.

Ánh mắt chưa cảm nhận
Nhìn mọi thứ quanh mình
Những gì mắt bé nhìn
Mang lại niềm vui lớn.

Thiên thần chưa nhận biết
Tiếng nước chảy rì rào
Bé chưa nói nhưng nghe
Đời trong thế giới khác.

Đôi mắt bé mở to
Đầy ước mơ kỳ lạ
Bé là thiên thần nhỏ
Trong thế giới cổ xưa.

Mái đầu nhẹ hân hoan
Ước mơ mang cho bé
Điều người lớn không thể
Thấy cuộc sống tưng bừng.



TIẾNG PHÁP NHƯ MỘT NGƯỜI PHỤ NỮ
(La langue française est une femme)

Tiếng Pháp như một người phụ nữ
Người phụ nữ đẹp vô cùng
Người phụ nữ kiêu căng
Người phụ nữ khiêm tốn.

Người phụ nữ can đảm
Người làm ta mủi lòng
Người phụ nữ trắng trong
Và rất cao thượng.

Người phụ nữ thân quen
Người phụ nữ điên cuồng
Người phụ nữ khôn khéo
Mà ta yêu bằng tất cả tấm lòng
Và mãi thủy chung.


THÉRA*


Túi da dê này đựng rượu đầy căng

Nguồn nước sống làm từ nho chín mọng
Théra màu đen căng mình trên sóng
Dưới mặt trời vàng trên bọt biển xanh. 

Théra giờ không còn đào kim nương 

Và ngải đắng, sồi xanh không còn nữa
Từ ngày hiện những mạch nguồn nứt nẻ
Thì Diêm Vương đã phun lửa không ngừng. 

Vầng trán cau có nhuốm một màu hồng

Giữa đôi gò bồng đảo dòng suối nhỏ
Như những nữ thần Bacchante hoang dã
Với những chùm nho nguyên vẹn bên hông.   
___________
*Théra là tên cổ điển của đảo Santorini – một hòn đảo ở miền nam biển Aegea, cách Hy Lạp lục địa 200 km. Théra cổ điển với nghề nấu rượu nho ngon nổi tiếng.   
** Bacchante (hay Menades) – những người đồng hành và những người hâm mộ Dionysus, là vị thần của rượu nho. 

Xem thêm:


HUY CHƯƠNG NOBEL

Giải thưởng Nobel là một trong những giải thưởng Quốc tế uy tín nhất. Những người đoạt giải được công bố vào tuần thứ hai của tháng mười hàng năm. 

Alfred Nobel là nhà hóa học, kỹ sư và nhà phát minh. Phát minh nổi tiếng nhất của ông là thuốc nổ. Năm 1888, thay vì cáo phó về người anh là Ludvig Emmanuel Nobel qua đời, một tờ báo Pháp đã đăng bức ảnh của Alfred Bernhard Nobel với cáo phó tên là: “Người buôn bán tử thần đã qua đời”. Alfred Nobel tự hỏi mình sẽ giữ lại kỷ niệm nào cho đời. Sau đó, ông quyết định thay đổi di chúc đã viết trước đây. Gần một năm trước khi qua đời vào ngày 27 tháng 11 năm 1895, Alfred Nobel đã quyết định bán tất cả tài sản của mình và gửi vào một ngân hàng. Thu nhập từ vốn lẫn lãi của số tiền này phải thuộc về một Quỹ và sẽ phân phối chúng hàng năm dưới dạng tiền thưởng cho những người trong năm trước đã mang lại lợi ích lớn nhất cho nhân loại.

Theo Điều lệ của Quỹ Nobel ngày 29 tháng 6 năm 1900: “Các tổ chức trao giải thưởng Nobel phải cung cấp cho mỗi người đoạt giải thưởng tiền mặt, bằng chứng nhận và huy chương vàng có hình Alfred Nobel với dòng chữ tương ứng”.

Huy chương các giải thưởng về Vật lý, Hóa học, Văn học, Sinh lý học và Y khoa do nhà điêu khắc, thợ khắc người Thụy Điển Erik Lindberg thiết kế. Huy chương của giải thưởng hòa bình - do nhà điêu khắc người Na Uy, ông Gustav Vigeland thiết kế. Huy chương của giải Kinh tế do Gunvor Svensson-Lundqvist thiết kế.

Ở mặt trước của các huy chương về Vật lý, Hóa học, Văn học, Sinh lý học và Y khoa là chân dung của Alfred Nobel và năm sinh, năm mất của ông bằng chữ số La Mã - MDCCCXXXIII - MDCCCXCVI. Chân dung của Alfred Nobel ở các huy chương của giải Hòa bình và giải Kinh tế có chút khác biệt với nhau. Dòng chữ chính ở mặt sau của các huy chương giải Vật lý, Hóa học, Văn học, Sinh lý học và Y khoa có nội dung: “Inventas vitam juvat excoluisse per artes” (Phát minh làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn thông qua nghệ thuật khám phá), và hình ảnh thay đổi theo các biểu tượng của các tổ chức tương ứng trao giải thưởng Nobel. Ở mặt sau của huy chương giải Hòa bình có dòng chữ: “Pro pace et fraternitate gentium” (Vì hòa bình và tình huynh đệ). Ở mặt sau của huy chương giải Kinh tế không có trích dẫn nào cả. 


Các huy chương Nobel có thiết kế giống nhau kể từ năm 1902. Vậy thì tại sao không từ năm 1901, khi các giải thưởng đầu tiên được trao? Vào đầu năm 1901, nhà điêu khắc, thợ khắc tài năng người Thụy Điển Erik Lindberg được giao nhiệm vụ thiết kế các huy chương Nobel của Thụy Điển. Việc thiết kế huy chương của người Na Uy cho giải thưởng Hòa bình được giao cho nhà điêu khắc người Na Uy, ông Gustav Vigeland. Nhưng thiết kế mặt trái của huy chương Nobel Thụy Điển đã không được hoàn thành trước lễ trao giải đầu tiên vào năm 1901. Những người đoạt các giải Nobel năm 1901 đều nhận được một huy chương tạm thời - trên đó có khắc chân dung của Alfred Nobel - như một món quà lưu niệm cho đến khi huy chương thật hoàn thành. Huy chương thật đầu tiên được hoàn thành vào tháng 9 năm 1902. 

Trong những năm 1901-1902, Erik Lindbergh sống ở Paris. Ông chịu sự ảnh hưởng của các họa sĩ khắc Pháp thời kỳ đó. Bức chân dung của Nobel trên mặt trái của các huy chương Thụy Điển đã được hoàn thành đúng hạn vào tháng 10 năm 1901. Lý do của sự chậm trễ là các biểu tượng ở mặt sau của các huy chương cần được tất cả các tổ chức trao giải thưởng Nobel chấp thuận, nhưng một số mâu thuẫn nảy sinh ở đây. Sau những cuộc thảo luận kéo dài, Erik Lindbergh quyết định quay trở lại Stockholm vào tháng 11 năm 1901 để trình bày ý tưởng của mình. Các đề xuất của ông sau đó đã được chấp nhận và cuối cùng ông đã làm khuôn thạch cao để đúc các huy chương nhưng đã không thể hoàn thành đúng thời hạn. 

Trên tất cả các huy chương Nobel Thụy Điển, tên của những người đoạt giải được khắc rõ ràng ở mặt sau, còn tên của những người đoạt giải giải Hòa bình và Kinh tế được khắc trên cạnh của huy chương và không mấy rõ ràng. Điều này tạo ra một số vấn đề nhất định cho những người đoạt giải thưởng Nobel Kinh tế năm 1975 – đó là nhà kinh tế người Liên Xô Leonid Kantorovich và nhà kinh tế người Mỹ Tjalling Koopmans. Huy chương của họ bị trao nhầm ở Stockholm, sau lễ trao giải Nobel, những người đoạt giải trở về quê hương của họ với những huy chương sai tên. Vì điều này xảy ra trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, phải mất bốn năm nỗ lực ngoại giao để trao đổi huy chương giữa các chủ sở hữu.


Một câu chuyện thú vị khác đã xảy ra với các huy chương Nobel của ba người đoạt giải vật lý trong Thế chiến II: người Đức Max von Laue (1914), người Đức Do Thái James Franck (1925), và người Đan Mạch Niels Bohr (1922). Từ năm 1933, Viện Vật lý Lý thuyết của Giáo sư Bohr tại Copenhagen đã trở thành nơi ẩn náu cho các nhà vật lý người Đức gốc Do Thái. Max von Laue và James Frank đã để lại huy chương Nobel của họ ở đó để tránh bị chính quyền Đức tịch thu. Sau khi Đan Mạch bị chiếm đóng vào tháng 4 năm 1940, Bohr bắt đầu lo lắng về sự an toàn của các huy chương, theo hồi ký của nhà hóa học người Hungary gốc Do Thái George de Hevesy (giải Nobel hóa học năm 1943), người làm việc tại cùng viện. Ở Đức Quốc xã, việc chuyển vàng ra nước ngoài được coi là một hành vi phạm tội rất nghiêm trọng. Vì tên của những người đoạt giải đã được khắc trên các huy chương nên việc nhận ra chúng là không hề khó khăn và hậu quả của việc này là rất nghiêm trọng. Một trích dẫn từ hồi ký của George de Hevesy: “Tôi đã đề nghị giấu huy chương, nhưng Bohr không thích ý tưởng đó vì cho rằng người ta có thể tìm thấy chúng. Tôi quyết định đem làm hòa tan chúng. Trong khi lính Đức đang tuần tra dọc theo các đường phố Copenhagen, tôi đã kịp làm hòa tan các huy chương của James Frank và Max von Laue. Sau chiến tranh, Quỹ Nobel đã hào phóng trao tặng huy chương Nobel mới cho Laue và Frank”. Hevesy đã viết cho Laue sau chiến tranh rằng việc làm hòa tan các huy chương là khó khăn vì vàng là một kim loại cực kỳ không phản ứng. Lính Đức quốc xã đã chiếm viện Bohr và lục soát rất kỹ càng nhưng không tìm thấy gì. Các huy chương được làm tan chảy trong dung dịch vodka hoàng gia. Hevesy không đề cập đến huy chương Nobel của Niels Bohr. Nhưng các tài liệu Lưu trữ về Niels Bohr ở Copenhagen cho thấy huy chương của ông cũng như huy chương Nobel về Sinh lý học và Y khoa năm 1920 của August Krogh đã được tặng cho cuộc đấu giá tổ chức ngày 12 tháng 3 năm 1940 để ủng hộ Quỹ Cứu trợ Phần Lan. Các huy chương này được một người giấu tên mua lại và tặng cho Bảo tàng Lịch sử Đan Mạch, nơi chúng vẫn được lưu giữ cho đến ngày nay. 


Mặt trước của các huy chương Vật lý, Hóa học, Văn học, Sinh lý học và Y khoa là giống nhau như đã nói ở trên. Mặt sau của huy chương Nobel Văn học mô tả một chàng trai trẻ ngồi dưới cây nguyệt quế, đang say mê lắng nghe và ghi lại bài hát của Nàng thơ. Dòng chữ trên huy chương có nội dung: “Inventas vitam juvat excoluisse per artes”. (Sáng tạo làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn thông qua nghệ thuật khám phá). Nội dung này lấy ý tưởng từ hai câu thơ trong thiên sử thi Aeneid của Virgil (Khúc ca VI, dòng 662-663):

Quique pii vates et Phoebo digna locuti,
Inventas aut qui vitam excoluere per artis,
(Cho những ai trong số các nhà tiên tri nói rằng chỉ Phoebus là xứng đáng
Cho những ai tô điểm cho đời bằng cách tạo ra nghệ thuật cho người phàm).

Cũng cần nói rằng câu “Inventas vitam juvat excoluisse per artes” dịch ra tiếng Việt có thể dịch theo nghĩa đen hoặc bóng và cho từng lĩnh vực cũng cần phải dịch tương thích. Thí dụ từ “phát minh” dùng trong các lĩnh vực Vật lý, Hóa học hay Sinh lý học và Y khoa thì trong Văn học phải là “sáng tạo”… 
Phía dưới hình của Nàng thơ và chàng trai trẻ khắc tên người được trao giải và dòng chữ “ACAD. SUEC” (viết tắt của Viện Hàn lâm Thụy Điển). Huy chương giải Nobel Văn học do Eric Lindbergh thiết kế. 


Mặt sau huy chương Nobel Sinh lý học và Y khoa mô tả Thiên tài Y học giữ cuốn sách mở trên đùi và hứng dòng nước chảy từ vách đá để làm dịu cơn khát của một cô gái bị bệnh. Dòng chữ trên huy chương Nobel Sinh lý học và Y khoa có nội dung như trên Huy chương Nobel Văn học đã nói trên. Phía dưới hình của Thiên tài Y học và cô gái khắc tên người được giải và dòng chữ: “REG. UNIVERSITAS MED. CHIR. CAROL” (viết tắt của từ Hội đồng Nobel của Viện Karonlinska). Huy chương giải Nobel Sinh lý học và Y khoa do Eric Lindbergh thiết kế. 

Hình nghiêng của Alfred Nobel ở mặt trước của huy chương Nobel Hòa bình hơi khác so với chân dung của ông trên các huy chương khác. Trên mặt sau của huy chương này là ba người đàn ông đứng thành vòng tròn trong vòng tay anh em bè bạn. Dòng chữ trên huy chương có nội dung: “Pro pace et fraternitate gentium” (Vì hòa bình và tình huynh đệ). Dòng chữ “Prix Nobel de la Paix” (Giải Nobel Hòa bình), năm trao giải và tên của người đoạt giải được khắc trên cạnh của huy chương. Huy chương giải Nobel Hòa bình do Gustav Vigeland thiết kế.

Mặt sau huy chương Nobel Vật lý và Hóa học (giống hệt nhau) mô tả nữ thần Tự nhiên nổi lên từ đám mây cầm trên tay sừng dê hoa quả (Cornucopia) tượng trưng cho sự phong phú và giàu có. Đứng bên cạnh là Thiên tài Khoa học đang hé mở chiếc khăn choàng che đầu Nữ thần Tự nhiên. Dòng chữ trên Huy chương Nobel Vật lý và Hóa học có nội dung như trên Huy chương Nobel Văn học đã nói trên. Phía dưới hình của Thiên tài Khoa học và Nữ thần Tự nhiên là tên của người đoạt giải và dòng chữ: “REG. ACAD. SCIENT. SUEC” (Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển). Huy chương giải Nobel Vật lý và Nobel Hóa học do Eric Lindbergh thiết kế. 

Mặt trước của Huy chương Nobel Kinh tế khắc hình nghiêng của Alfred Nobel và hai chiếc sừng dê hoa quả (Cornucopia) chéo nhau ở phía bên dưới. Dòng chữ vòng quanh ghi: “Sveriges Riksbank till Alfred Nobels Minne 1968” (Ngân hàng Trung ương Thụy Điển tưởng nhớ Alfred Nobel). Trên mặt sau của Huy chương là biểu tượng của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển dưới dạng ngôi sao Bắc Đẩu, ba vương miện nhỏ và một lớn ở trên cùng. Dòng chữ trên mặt sau của huy chương có nội dung: “Kungliga Vetenskaps Akademien” (Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển). Huy chương Nobel Kinh tế do Gunvor Svensson-Lundqvist thiết kế.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét