Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2016

Ivan Bunin - Giải Nobel Văn học năm 1933



Ivan Alekseevich Bunin (tiếng Nga: Иван Алексеевич Бунин; 22 tháng 10 năm 1870 - 8 tháng 11 năm 1953) – nhà văn, nhà thơ Nga đầu tiên đoạt giải Nobel Văn học năm 1933 “vì một thứ nghệ thuật nghiêm ngặt mà cùng với nó, ông đã phát triển truyền thống văn xuôi cổ điển Nga”. Ông là một nhân vật được tôn kính trong số các nhà phê bình châu Âu và nhiều nhà văn đồng nghiệp, những người xem ông như một người thừa kế thực sự cho truyền thống của chủ nghĩa hiện thực trong văn học Nga do Tolstoy và Chekhov khởi xướng.

Tiểu sử:
Ivan Bunin sinh ngày 22-10-1870 ở tỉnh Voronezh, vùng trung Nga, tuổi thơ sống ở miền quê tĩnh lặng của tỉnh Oryon. Thời trẻ làm thợ sửa bản in, viết báo. Năm 1891 in tập thơ đầu tay Dưới bầu trời rộng mở, năm 1897 xuất bản tập truyện ngắn đầu tiên Nơi cuối trời và các truyện ngắn khác, được giới phê bình đánh giá cao. Năm 1889 Bunin rời quê, làm nhiều nghề kiếm sống như thợ sửa bản in thử, thủ thư, làm báo... Niềm đam mê hội họa và âm nhạc đã ảnh hưởng tới sáng tác văn học sau này của ông. Bunin làm thơ, viết văn khá sớm, sự nghiệp văn chương của ông chủ yếu nổi tiếng về văn xuôi với các truyện ngắn và truyện vừa.

Tác phẩm đầu tiên của ông là bài thơ Bên mộ Nadson - tên một nhà thơ Nga - (1863-1887). Năm 1891 ông xuất bản tập thơ trữ tình đầu tiên Những bài thơ (1891) ở Oryon. Thơ đã mở đầu văn nghiệp và còn đeo đẳng mãi ngòi bút của ông đến tận cuối đời. Năm 1894 ông in truyện ngắn đầu tay Tanka. Năm 1897, xuất bản tập truyện ngắn đầu tiên Nơi cuối trời và các truyện ngắn khác, viết về sự suy tàn của tầng lớp quý tộc và cảnh sống cơ cực của người nông dân Nga, được giới phê bình khen ngợi.

Tác phẩm của ông không đề cập đến các vấn đề chính trị. Ông không theo một trường phái nào như Suy đồi, Tượng trưng, Lãng mạn hay Tự nhiên chủ nghĩa. Ông sống chủ yếu ở nông thôn, đi du lịch nhiều nơi ở Nga và các nước trên thế giới như Italia, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Palestin, Tunisia, Ai Cập và các vùng nhiệt đới... Ông quan tâm nhiều đến các vấn đề về tâm lý, tôn giáo, đạo đức và lịch sử.

Năm 1909 Bunin được bầu làm Viện sĩ danh dự Viện Hàn lâm Khoa học Nga. Năm 1910 ông xuất bản thiên truyện Làng, một bức tranh chân thực về cuộc sống nông thôn nước Nga; tác phẩm trở thành chủ đề bàn luận sôi nổi của giới trí thức Nga về thực chất xã hội Nga và chỉ trong một thời gian rất ngắn đã khiến Bunin nổi tiếng; thành công này được tiếp tục phát huy ở các tác phẩm tiếp theo.

Bunin đi du lịch nhiều nơi, làm quen với nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng. Năm 1909 được bầu làm Viện sĩ danh dự của Viện hàn lâm Khoa học Nga. Sau cách mạng tháng Mười ông di cư sang Pháp và tiếp tục sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị. Tập truyện Những con đường rợp bóng được tặng giải Nobel được viết trong thời kỳ này. Ngoài văn, thơ Bunin còn nổi tiếng là một dịch giả thơ bậc thầy. Bản dịch Bài ca về Hiawatha (The Song of Hiawatha) của Henry Wadsworth Longfellow được tặng Giải thưởng Puskin. Những năm cuối đời, Bunin viết một số truyện ký độc đáo và sâu sắc về các danh nhân Nga như L. Tolstoy, A. Chekhov... Năm 1951 ông được bầu là Hội viên danh dự số một của Hội Văn bút quốc tế.

Ivan Bunin mất ngày 8 tháng 11 năm 1953 ở Pháp, an táng tại nghĩa trang Sainte-Geneviève-des-Bois.

Tác phẩm:
- Dưới bầu trời rộng mở (Под открытым небом, 1891), tập thơ.
- Nơi cuối trời và các truyện ngắn khác (На край света и другие рассказы, 1897), tập truyện.
- Những quả táo Antonov (Антоновские яблоки, 1900), truyện ngắn.
- Lá rụng (Листопад, 1901), tập thơ.
- Làng (Деревня, 1910), truyện vừa.
- Sukhodol (Суходол, 1911), truyện vừa.
- Quý ông từ San Francisco (Господин из Сан-Франциско, 1915), truyện vừa.
- Hơi thở nhẹ (Легкое дыхание, 1916), truyện ngắn.
- Hoa hồng Jericho (Роза Иерихона, 1924), tập truyện.
- Tình yêu của Mitia (Митина любовь, 1926), truyện vừa.
- Những ngày đáng nguyền rủa (Окаянные дни, 1926), nhật kí.
- Cuộc đời Arseniev (Жизнь Арсеньева, 1930), tiểu thuyết. 
- Giải phóng Tolstoi (Освобождение Толстого, 1937), tiểu luận.
- Những con đường rợp bóng (Темные аллеи, 1943), tập truyện.
- Hồi tưởng (Воспоминания, 1950), tập kí.



Trích từ 87 bài thơ


KHI ĐÔI MẮT MÀU XANH

Anh hạnh phúc khi đôi mắt màu xanh
Mắt màu xanh em ngước nhìn anh đó
Niềm hy vọng trong mắt em rạng rỡ
Bầu trời trong veo của một ngày xanh.

Và đắng cay khi đôi mắt màu xanh
Rủ hàng mi đen và em im bặt
Yêu anh không, tự mình, em chẳng biết
Còn tình yêu e ấp, cố giấu mình.

Nhưng ở khắp nơi và chung thuỷ, thường xuyên
Khi gần em tâm hồn anh toả sáng…
Người yêu ơi hãy mãi là cao thượng
Sắc đẹp tuyệt vời và tuổi trẻ của em!
1896






CẦM TAY EM

Cầm tay em, rất lâu anh ngắm nhìn
Còn em thẫn thờ, đôi mắt em hờ khép
Trong bàn tay này – sự tồn tại của em
Anh cảm nhận ra – cả hồn lẫn xác.

Cần gì thêm? Có thể hạnh phúc thêm?
Nhưng thiên thần nổi loạn bằng bão lửa
Bay trên cuộc đời, bằng đam mê giết bỏ
Đang vút bay nhanh trước mặt chúng mình.
1898.


GIẤC MƠ NGỌT NGÀO, QUYẾN RŨ

Lại một giấc mơ ngọt ngào, quyến rũ
Tôi mơ về, mê đắm với niềm vui
ánh mắt yêu thương thầm kín gọi mời
Và một nụ cười dịu hiền vẫy gọi.

Vẫn biết rằng lại là dối gian thôi
Giấc mơ này trong bình minh tỏa sáng
Nhưng bây giờ ngày buồn chưa kịp đến
Thì hãy mỉm cười, hãy dối lừa tôi.
1898




NGƯỜI XA LẠ

Em là người xa lạ
Nhưng yêu chỉ mình anh
Và em sẽ không quên
Cho đến ngày cuối tận.

Thế rồi em ngoan ngoãn
Lặng lẽ theo người ta
Nhưng mặt em cúi xuống
Người ấy chẳng nhận ra.

Em trở thành phụ nữ
Nhưng thiếu nữ với anh
Trong bước đi của mình
Sắc đẹp đầy quyến rũ!

Sẽ có điều phụ bạc…
Nhưng chỉ có một lần
Khi e ấp cháy lên
Ngọn lửa tình trong mắt.

Em không biết giấu đi
Rằng với người – xa lạ
Và sẽ không bao giờ
Bao giờ quên anh cả!
1908





TA ĐI BÊN NHAU

Ta đi bên nhau, hai đứa gần kề
Nhưng nhất định nhìn anh, em đã chẳng
Lời của chúng mình bâng quơ, trống rỗng
Mất hút vào trong ngọn gió tháng ba.

Đám mây trắng lạnh lùng bay xuyên qua
Khu vườn nhỏ, giọt nước rơi tí tách
Gò má em tái nhợt trong giá buốt
Và đôi mắt xanh thắm, tựa như hoa.

Còn bờ môi khao khát chỉ khép hờ
Anh đã tránh chạm lên bằng ánh mắt
Vẻ trống trải tưởng chừng bao hạnh phúc
Cõi diệu huyền, nơi hai đứa từng qua.
1917



ÁNH NHÌN TĨNH LẶNG NHƯ MẮT NAI CON

Ánh nhìn tĩnh lặng như mắt nai con
Những gì bên trong, tôi từng yêu đến thế
Đến giờ vẫn chưa quên trong đau khổ
Nhưng bóng dáng người giờ đã trong sương. 

Đến một ngày – sẽ tan biến nỗi buồn
Giấc mơ hoài niệm rồi đây sáng tỏ
Không còn hạnh phúc, không còn đau khổ
Chỉ còn điều tha thứ ở xa xăm. 
1901 


CHÚNG TÔI GẶP RẤT VÔ TÌNH 

Chúng tôi gặp rất vô tình, trong góc
Tôi đi nhanh – bỗng như ánh chớp nguồn
Cắt qua màn sương nhẹ buổi chiều hôm
Và xuyên qua bờ mi đen sáng rực.

Chiếc áo nhiễu – vẻ nhẹ nhàng, trong suốt
Trong phút giây thổi nhẹ gió mùa xuân
Nhưng trên mặt, trong đôi mắt sáng rực
Tôi nắm bắt vẻ sống động đã từng.

Nàng gật đầu với tôi đầy âu yếm
Mặt cúi nghiêng trong gió, thật nhẹ nhàng
Rồi biến vào góc… Lúc đó mùa xuân
Nàng tha thứ cho tôi – và quên lãng. 
1905 




MAHÔMÉT VÀ SAPHIA*

Saphia thức dậy lấy bàn tay của mình
Nàng khéo léo bện những mớ tóc đen:
“Mọi người chửi em là người Do Thái” –
Nàng nói trong nước mắt với chồng mình.

Mahômét cười, âu yếm nhìn vợ ông
Rồi trả lời: “Em hãy nói với họ
Abraham là bố, Môsê là chú
Còn Mahômét là chồng em”. 
1914
_________________
*Saphia – tức Safiyya bint Huyayy (610 – 670) là vợ của nhà tiên tri Mahômét, người sáng lập Hồi giáo.




LĂNG MỘ SAPHIA*

Mạch nước nguồn trên những dãy sườn non
Vẫn mơ màng theo bờ khe chảy xuống
Như tu sĩ, trên quan tài màu trắng
Giữa trời xanh cây bách đứng lặng ngừng.
  
Như cô gái, hoa mimosa dịu dàng
Đang thả xuống những bóng cành bóng lá
Những bông hồng để mùi hương lan tỏa
Trong bụi cây họa mi khóc nỉ non. 

Phía dưới là bờ hoang dã trong sương
Đường chân trời xa vời trong tầm mắt
Bầu không khí bao la và bát ngát
Eo biển Hellespont** xanh một màu xanh. 

Bình yên cho em, tươi trẻ, khiêm nhường!
Tôi hôn lên lăng mộ em màu trắng
Năm thế kỷ bất tử, không quên lãng
Cả Phương Đông vẫn tưởng nhớ về em.

Hạnh phúc cho người quyến rũ trần gian
Nhưng trăm lần hạnh phúc hơn thế nữa
Tro tàn đặt lòng tin vào bất tử
Và trở nên huyền thoại suốt vĩnh hằng!
1903
__________________
*Như đã chú thích ở bài Mahômét và Saphia thì Saphia là vợ của Mahômét và tình yêu này cũng có thể coi là huyền thoại. Trong trận Khaybar, cha và chồng của Saphia bị giết còn Saphia cũng như các thành viên khác trong bộ lạc của cô bị bắt làm tù binh. Nhìn thấy Saphia vô cùng xinh đẹp bị giam giữ, nhà tiên tri Mahômét đã đưa cô đến ở cùng các bà vợ của mình và giải thoát cô khỏi chế độ nô lệ. Sau khi giải thoát, cô được lựa chọn để bảo lưu tôn giáo của mình và ra đi nơi nào cô muốn, hoặc là ở lại với Mahômét. Saphia quyết định ở lại và sống với ông. Thời điểm kết hôn với Mahômét, Saphia tròn 17 tuổi. 
**Hellespont (tên gọi ngày nay là Dardanellia) – là một eo biển hẹp ở tây bắc Thổ Nhĩ Kỳ kết nối biển Aegea với biển Marmara.





ĐÊM MẦU NHIỆM*

Thiên thần đêm này từ trời xuống
(Kinh Koran)

Đêm mầu nhiệm. Những đỉnh cao kết vào nhau hạ xuống
Những chiếc khăn đóng hướng lên cao tận trời xanh.
Ông Muezzin hát lên. Những tảng băng vẫn ửng hồng
Nhưng cơn lạnh của bóng đêm đang thở ra từ thung lũng.

Đêm mầu nhiệm. Từ trên những sườn núi tối tăm
Mây vẫn còn buông và dường như đang vây lấy.
Ông Muezzin** hát lên. Trước ngôi trời Vĩ đại
Đã tỏa khói và đang chảy. Dòng sông Kim Cương.

Thiên thần Gabriel – không nghe thấy và vô hình
Qua thế giới ngủ yên. Cầu Chúa ban phước thiện
Con đường vô hình của người hành hương thần thánh
Xin cho mặt đất của người tình yêu với hòa bình.
1903
_____________________
*Đêm mầu nhiệm hoặc đêm tiền định – tức Laylat al-Qadr (tiếng Anh), là đêm 26 sang ngày 27 của tháng Ramadan mà theo truyền thuyết thì trong cái đêm linh thiêng này thiên thần Gabriel đã mang Koran từ trời xuống trần gian cho Ma-hô-mét.
**Ông Muezzin – giáo sĩ Hồi giáo, người từ tháp canh gọi tín đồ cầu nguyện.



MAHÔMÉT TRONG CẢNH LƯU ĐÀY

Có những linh hồn bay trên sa mạc
Trên mương đá, trong những buổi hoàng hôn.
Có những lời vang lên rất đau xót
Như mạch nguồn bị Thượng Đế lãng quên.

Đôi chân trần và ngực Ngài mở rộng
Ngài ngồi lên trên cát nói rất buồn:
“Ta đi ra vùng sa mạc mênh mông
Xa tất cả những người ta yêu mến!”

Những linh hồn nói rằng: “Không đáng giá
Làm nhà tiên tri mệt mỏi, yếu hèn”.
Ngài trả lời rất lặng lẽ và buồn
Rằng: “Ta đã từng than phiền với đá”.
1906


ĐÔI CÁNH TRẮNG

Giữa sa mạc, trên đầu nhà tiên tri
Thiên thần Gabriel vẫn đang bay lượn
Và vầng hào quang của đôi cánh trắng
Làm dịu đi cơn nóng của đường xa.

Tôi trên đường, tôi ở nơi hiu quạnh.
Cũng như Ngài, tôi không dám nghỉ ngơi
Như Ma hô mét về Medina thần thánh
Giữ con đường về mục đích tuyệt vời.

Nhưng cái nóng không thiêu đốt – lời Ngài
Tôi vẫn mang theo bên mình mọi lúc:
Bằng thứ ánh sáng dịu dàng, màu bạc
Tràn ngập cuộc đời trước mặt tôi đây.
1903




13. HẬU DUỆ CỦA NHÀ TIÊN TRI

Bao vương quốc, xứ sở chốn trần gian.
Ta yêu thảm được làm từ cây sậy
Ta không đi vào quán, mà thánh đường
Có những sân đầy nắng và lặng lẽ.

Ta không phải nhà buôn. Ta không mừng
Trước vũ hội hóa trang đầy bụi bặm
Trong vườn của Đa-mát kia thần thánh
Ta không cần bố thí của người Anh.

Ta chịu đựng. Nhưng mà chẳng áo quần
Chẳng mũ trắng ta đều chẳng muốn nhìn.
Điều răn: chớ làm cho người điều ác
Nhưng con mắt trước họ chớ nhìn lên.

Hãy nói lời chào, nhưng bạn trong màu xanh
Khi họ đến hãy nhìn vào cây bách
Đừng làm con tắc kè hoa liên tiếp
Đổi màu sắc khi lên xuống bức tường.

1912


ALBORZ*

Trên băng tuyết dãy Alborz mặt trời thức dậy
Trên băng tuyết dãy Alborz chẳng có cuộc đời
Xung quanh khắp dãy núi, từ trên bầu trời
Một vòng kim cương của hành tinh tuôn chảy.

Màn sương mù bò trườn trên sườn dốc
Nhưng đến đỉnh không đủ sức bò lên
Mà chỉ những vị thần của trời xanh
Có con đường để đi về mặt đất.

Và Mitra**, tên của một vị thần
Mà khắp chốn trần gian đều cảm tạ
Ngài đầu tiên đi lên trong số họ
Bằng bình minh trên những cánh đồng băng.

Và bằng áo bào màu vàng tỏa sáng
Ngài nhìn khắp nơi từ phía trời xanh
Vào những dòng sông, đồi cát Iran
Và những núi đồi nhấp nhô gợn sóng.
1905
_______________
*Alborz (Alburz) – là một dãy núi ở miền bắc Iran.
**Mitra (Mithra) – thần mặt trời, thần của sự hoà thuận trong kinh Avesta.





15. CIRCE*

Nữ thần ngồi trên chiếc giá ba chân
Mái tóc của nàng có màu vàng hung
Đôi mắt xanh, sống mũi Hy Lạp cổ -
Tất cả đều hiện rõ ở trong gương.

Khoác trên mình mỏng mảnh chiếc khăn nhung
Gương mặt dịu dàng và nước da hồng
Giọt mật của hoa, giọt nước của thánh
Hoa tai lấp lánh, đôi má ửng hồng.

Uy-lít-xơ bảo nàng: “Nữ thần ơi!
Tất cả đều tuyệt đẹp: này bàn tay
Và này mái tóc nhẹ nhàng khẽ chạm
Và khuỷu tay và chiếc cổ đẹp này!”

Nữ thần cười: “Uy-lít-xơ chàng ơi!
Em chỉ thích đôi bờ vai này thôi
Và mái tóc màu vàng hung ở giữa
Chảy xuống phía sau theo sống lưng này!”
1916
_________________
*Circe (Xiếc-xi) – nữ thần trong thần thoại Hy Lạp.



HAGIA SOPHIA*

Những ngọn đèn cháy lên, không hiểu được
Lời vang lên – lãnh tụ của đạo Hồi
Đọc Kinh Koran – và mái vòm bao la
Trong bóng đêm khó đăm đăm biến mất.

Nhấc thanh kiếm cong lên trước đám đông
Vị lãnh tụ nhắm mắt – và sợ hãi
Cảnh chết chóc quanh đám đông vây lấy
Một đàn bà trên thảm đã nằm yên…

Buổi sáng đền sáng sủa. Tất cả lặng im
Trong sự lặng yên thiêng liêng và khiêm nhượng
Còn mặt trời trên mái vòm lung linh tỏa sáng
Trong vẻ không thể nào hiểu được tự trời xanh.

Bồ câu trong đền kêu gù gù rồi bay lên
Và từ trời xanh, từ mỗi ô cửa sổ
Khoảng trời bao la, bầu không khí kia vẫy gọi
Cho bạn Tình yêu, và cho bạn Mùa xuân!
1903
_____________________
*Hagia Sophia ban đầu là một Vương cung thánh đường Chính thống giáo Đông phương, sau là thánh đường Hồi giáo, và nay là một viện bảo tàng ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Đặc biệt nổi tiếng vì vòm trần lớn, tòa nhà này được xem là hình ảnh mẫu mực của kiến trúc Byzantine. Đây từng là nhà thờ lớn nhất thế giới trong gần một ngàn năm, cho đến khi Nhà thờ chính tòa Sevilla hoàn thành vào năm 1520.




18. BÊN CỔNG VÀO SI-ÔN

Bên cổng vào Si-ôn, trên khe Xết-rôn
Trên ngọn đồi, ngọn gió đang đốt cháy
Nơi có chiếc bóng tỏa từ bức tường
Tôi ngồi bên cạnh một người bệnh hủi
Người đang ngồi ăn những hạt kỳ nham.

Anh ta thở, mùi hôi không thể tả
Anh ta bị thuốc độc, hóa điên rồ
Mặc dù vậy, nụ cười ở trên môi
Nhìn xung quanh, ánh nhìn rất vui vẻ
Và thì thầm: “Đa tạ Thánh Ala!”

Lạy Chúa bao dung, tại vì sao Người
Cho chúng tôi đam mê, quan tâm, suy nghĩ
Khát khao công việc, vinh quang, giải trí?
Mà những thằng ngốc, người tàn tật lại mừng vui
Và người bệnh cùi vui vẻ hơn tất cả.
1917
_________________
*Si-ôn là ngọn đồi ở phía tây thành phố Giê-ru-sa-lem; Xết-rôn là khe hoặc thung lũng và cũng ở Giê-su-sa-lem. Chúng tôi dùng tên phiên âm của Kinh Thánh tiếng Việt (2Samuen 15, 23; 1Các Vua 2, 37).





19. NGƯỜI MỚI TU

Dân ca Gruzia

“Người anh em, u ám trong trai phòng!
Tuyết trắng tinh rắc đầy trong hẻm núi.
Nhưng trên tảng băng, trên sườn dốc thoải
Tôi nhìn ra một bông tuyết màu xanh”.

“Này anh em, người mê sảng gì chăng!
Nơi rừng núi nghèo nàn và u ám
Tu viện chúng tôi nằm nơi cao lắm
Và còn rất lâu mới tới mùa xuân”.

“Đừng sợ gì, người anh em mến thương!
Sắp tới đây không còn cơn mê sảng –
Và cơn bão tuyết trong đêm sẽ đến
Mang theo mình một bông tuyết màu xanh!”

1905



CON XIN ĐA TẠ NGƯỜI VÌ TẤT CẢ 

Con xin đa tạ Người, vì tất cả
Sau những âu lo và những buồn đau
Người đã ban con ánh nắng ban chiều
Cánh đồng rộng và màu xanh hiền dịu.

Con giờ vẫn cô đơn – như muôn thuở
Nhưng hoàng hôn đổ ánh lửa tuyệt vời
Và tan trong đó Ngôi sao Ban chiều
Run rẩy qua, như một hòn đá quí.

Con hạnh phúc với nỗi buồn phận số
Trong nhận thức vẫn vui vẻ ngọt ngào
Vẫn một mình trong thầm lặng suy tư
Nói với Người – và tránh xa tất cả.
1901




CHÚA GIÊ-SU SỐNG LẠI

Chúa Giê-su sống lại. Với bình minh
Bóng đêm dài đang dần dà đi khỏi
Một lần nữa thắp sáng giữa trần gian
Một ngày mới chỉ dành cho đời mới.

Và rừng thông vẫn hãy còn tối đen
Vẫn còn trong bóng ẩm ướt của mình
Như một tấm gương, mặt hồ ở đấy
Đang thở bằng vẻ tươi mát của đêm.

Vẫn còn trong những thung lũng màu xanh
Những màn sương bay lượn… Nhưng hãy nhìn:
Đã cháy lên trên giá băng miền núi
Tia mặt trời như lửa của bình minh!

Những tia nắng trên cao còn tỏa sáng
Không thể nào đạt đến, như giấc mơ
Nơi giọng nói mặt đất còn im lặng
Thì vẻ đẹp kia tinh khiết vô bờ.

Nhưng với mỗi giờ qua càng tiếp cận
Bởi vì trên đỉnh núi đã ửng hồng
Chúng đang lấp lánh và đang cháy lên
Trong bóng tối của rừng, trong thung lũng.

Chúng cháy trong vẻ đẹp đầy mong muốn
Và báo tin từ đỉnh của trời xanh
Rằng đã đến cái ngày từng hứa hẹn
Rằng Giê-su quả thực đã hồi sinh!
1896




26. LĂNG MỘ RA-CHÊN*

“Nàng đã chết, và Gia-cốp đã chôn
Nàng bên đường…” Trên lăng mộ chẳng có
Đề tên tuổi, dấu hiệu hay dòng chữ.
Có ánh sáng yếu ớt vào ban đêm
Và phấn trắng được quét lên mái vòm
Một vẻ tái nhợt vô cùng huyền bí.

Tôi rụt rè đi đến giữa hoàng hôn
Và xúc động hôn lên hòn đá phấn
Trên hòn đá trồi ra có màu trắng…
Một lời ngọt ngào nhất! Ra-chên!
1907
_______________
*Ra-chên (Rachel) là vợ của Gia-cốp (Jacob). Đây là một câu chuyện nổi tiếng trong Kinh Thánh Cựu Ước (Ra-chên qua đời, được chôn bên con đường đi về Ê-phơ-rát, tức là Bết-lê-hem. Gia-cốp dựng một mộ bia; ấy là mộ bia của Ra-chên đến ngày nay hãy còn di tích – Sáng Thế ký 35, 19-20).



QUÊ HƯƠNG

Dưới bầu trời xám xịt như chết lặng
Ngày mùa đông cau có đang tối dần
Rừng thông như không có điểm cuối cùng
Đến làng mạc xem hãy còn xa lắm. 

Một màn sương có màu sữa và xanh
Như nỗi buồn ai đó rất dịu dàng
Và ở trên sa mạc này tuyết trắng
Khoảng nhá nhem tối sáng đang mờ dần.

1896


BẦU TRỜI XANH THẮM ĐÃ MỞ RA

Bầu trời xanh thắm đã mở ra
Giữa những đám mây ngày tháng tư.
Trong rừng tất cả khô và xám
Và như mạng nhện bóng rơi ra.

Con rắn sột soạt giữa lá sồi
Rồi rắn chui vào trong bộng cây
Rắn bò vào rừng theo cây đoạn
In vết bộ da trên đất này. 

Những chiếc lá khô và mùi thơm
Ánh sáng nhẵn mịn của bạch dương
Phút giây hạnh phúc và gian dối
Một nỗi buồn nhớ gấp trăm lần
1901





NHỮNG BÓNG MA

Không, người chết với ta còn sống vậy!
Có một truyền thuyết của Xcốtlen
Rằng bóng họ mà mắt không nhìn thấy
Vẫn đi về để gặp gỡ hằng đêm. 

Rằng những cây đàn hạc ở trên tường
Tay của họ chạm vào rất bí ẩn
Và thức dậy trong những dây mơ màng
Những âm thanh u buồn và vui sướng.

Ta gọi bao truyền thuyết là chuyện cổ
Ta không nghe, ta không hiểu ban ngày
Nhưng đêm đến ta sống bằng chuyện đó
Ta nghe theo yên lặng đến thơ ngây. 

Ta đã đành, ma quỉ chẳng hề tin
Nhưng mệt lử vì tình yêu, ly biệt…
Và tôi vẫn nghe lần này lần khác
Những âm thanh vui sướng lẫn u buồn!
1905


NHỮNG NGÔI SAO ĐÊM XUÂN DỊU DÀNG HƠN

Những ngôi sao đêm xuân dịu dàng hơn
Họa mi e dè hơn cất tiếng hót… 
Anh yêu vô cùng những đêm tối đen
Những ngôi sao, hàng phong và đầm nước.

Em như sao kia, tuyệt vời, thanh sạch
Anh nắm bắt trong mọi thứ niềm vui –
Trong sao trời, trong mùi hương, màu sắc… 
Nhưng anh yêu em trìu mến hơn nhiều. 

Chỉ với một mình em, anh hạnh phúc
Không còn ai thay thế được em đâu:
Và chỉ anh, em yêu và em biết
Chỉ mình em hiểu được – tại vì sao!
1898



ĐÊM U BUỒN NHƯ MƠ ƯỚC ĐỜI TÔI

Đêm u buồn như mơ ước đời tôi
Từ xa xôi trên thảo nguyên hoang vắng
Một ngọn lửa nhỏ cô đơn thấp thoáng… 
Trong tim đầy buồn bã với tình yêu.

Nhưng kể thế nào và kể cho ai
Điều gì gọi mi, con tim tràn ngập! –
Đường xa xôi, còn thảo nguyên im bặt.
Đêm u buồn như mơ ước đời tôi. 
1900


CON CHIM CÓ TỔ, CON THÚ CÓ HANG

Con chim có tổ, con thú có hang
Đắng cay vô cùng trái tim non trẻ
Khi tôi ra đi từ nhà của bố
Nói lời vĩnh biệt với ngôi nhà mình!

Con chim có tổ, con thú có hang
Con tim đập đau thương và mạnh mẽ
Tôi bước vào ngôi nhà thuê xa lạ
Với cái bị đã cũ nát của mình.
1922


TẠI SAO VÀ NÓI GÌ

Tại sao và nói gì?
Bằng tình yêu, mơ ước
Con tim mong mở hết –
Vì sao? Bằng một từ!

Trong lời nói con người
Đâu chỉ toàn lặp lại
Đừng đi tìm ý nghĩa
Ý nghĩa lãng quên rồi!

Và biết kể cùng ai?
Dù chân thành đến vậy
Không một ai hiểu nổi
Những đau khổ của người!

1889




SÁNG NHƯ NGÀY, BÓNG THƠ THẨN SAU LƯNG

Sáng như ngày, bóng thơ thẩn sau lưng
Trong những bụi trần truồng. Trên cỏ hoa ánh bạc
Mặt trăng đi vòng một cách ẩn ước
Tỏa sáng xung quanh những mái đầu đen. 

Anh tìm ánh mắt vĩnh biệt của em
Nhưng trong tim giấu đi cơn giá lạnh –
Vẻ tái nhợt, u buồn và bí ẩn
Anh không nhận ra dưới ánh trăng buồn.
1901


CÓ AI ĐÓ HÁT THẬT LÂU TRONG ĐÊM

Có ai đó hát thật lâu trong đêm
Từ xa xôi trên cánh đồng tăm tối
Giọng hát buồn mà ngang tàng ngổ ngáo
Về tự do, hạnh phúc đã không còn. 

Anh mở cánh cửa sổ và ngồi lên
Em đang ngủ… Anh nghe đầy khao khát
Từ cánh đồng mùi mưa, mùi lúa mạch
Đêm vô cùng mát mẻ, đượm mùi hương.

Điều gì giọng hát thức dậy trong lòng
Anh không biết… Nhưng lòng anh rầu rĩ
Anh từng yêu em dịu dàng như thế
Như ngày nào em cũng đã yêu anh. 
1899


BÀI CA 

Em chỉ là cô gái quê làm ruộng
Còn chàng người vui vẻ, một ngư dân. 
Cánh buồm trắng đang chìm nơi vịnh biển
Chàng từng thấy nhiều biển cũng như sông.

Gái Hy Lạp ở Bôxpho đẹp lắm
Còn em vừa đen, xấu lại gầy gò. 
Cánh buồm trắng đang bị chìm trên biển
Có thể là không quay lại bao giờ!

Em sẽ đợi dù tiết trời xấu tốt
Đợi không xong – sẽ bỏ ruộng không làm
Đi ra biển – ném nhẫn vào dòng nước
Kết thúc đời bằng lưỡi hái màu đen. 
1903


BÊN BỜ BIỂN

Bên bờ biển
Trên phiến đá xanh
Trên phiến đá xanh người đẹp khỏa thân
Chân trắng muốt thả đùa trên sóng
Vẫy gọi những chàng thủy thủ đại dương
“Các anh thủy thủ ơi
Các anh đi cùng đất cuối trời
Các anh thật là vô ích
Đi kiếm tìm châu ngọc?
Châu ngọc chốn biển khơi
Là sắc đẹp của em đây
Là bờ môi cháy bỏng
Là ngực lạnh
Là những bàn chân nhẹ nhàng
Là bắp vế nặng.
Một thú vui không bao giờ cạn
Là ngủ yên trên cánh tay em
Và nghe những khúc hát u buồn!”
Những chàng thủy thủ bơi đến, không nghe
Mà trong con tim buồn nản
Và trên mắt những giọt nước mắt nóng bỏng
Không thể nào xua được nỗi buồn kia
Không trên đường đi, không nơi bến bờ
Nhưng đến muôn đời nghĩ lại.




VỀ HẠNH PHÚC

Về hạnh phúc ta nhớ đến thường xuyên
Hạnh phúc khắp nơi, có thể là chính nó
Khu vườn mùa thu sau căn nhà nhỏ
Rót vào đây luồng không khí dịu êm.

Dải mây trắng nhẹ nhàng bay trên trời
Toả hào quang, những đám mây thức dậy
Tôi nhìn theo… nhận ra ta ít thấy
Hạnh phúc chỉ dành cho người biết mà thôi.

Cửa sổ mở. Con chim bay đến ngồi
Lên bục cửa và tôi buông quyển sách
ánh mắt nhìn mỏi mệt trong phút chốc.

Ngày dần tối. Hoang vắng giữa bầu trời
Tiếng máy đập lúa nghe ra văng vẳng
Tôi nghe, nhìn. Hạnh phúc ở trong tôi.




GIÁ MÀ

Giá mà anh có thể
Yêu chỉ một mình anh
Giá quên được quá khứ
Những gì em đã quên.

Không sợ, không ngạc nhiên
Bóng tối đêm muôn thuở
Mệt mỏi những mắt nhìn
Khép lại đầy hớn hở.


CHÉN RƯỢU TRAO CHO TÔI

Chén rượu trao cho tôi nữ thần đau khổ
Tôi uống rượu vang, thấy mệt mỏi, rã rời.
Với nụ cười lạnh nhạt nữ thần nói với tôi:
Chất độc này là rượu của tình yêu trong mộ.


MẢNH TRĂNG MUỘN TRONG ĐÊM

Mảnh trăng muộn trong đêm vắng ngắt
Vì những cây gia, cây đoạn màu đen
Từ ban công anh nghe tiếng cửa kêu cót két
Tiếng cửa kêu cót két thật nhẹ nhàng.

Ta không ngủ vì cãi nhau dại dột
Và để cho ta hai đứa, dành riêng
Hoa thở than trên đường vắng ngắt
Trong cái giờ phút ấy thật dịu êm.

Ngày đó em bước sang mười sáu tuổi
Còn anh vừa tròn mười bảy xuân xanh
Nhưng em còn nhớ không khi khép lại
Cánh cửa mở vào có ánh trăng thanh?

Em đưa chiếc khăn lên môi ép chặt
Chiếc khăn ướt đầm nước mắt xót xa
Em run rẩy, trong lòng em thổn thức
Để trên đầu cái bím tóc rơi ra.

Còn anh tưởng chừng vỡ tung lồng ngực
Vì nỗi đau rất đằm thắm, dịu êm…
Người yêu ơi, giá mà ta làm được
Ta sẽ cùng quay về lại với cái đêm!..




RỒI SẼ ĐẾN MỘT NGÀY

Rồi sẽ đến một ngày – tôi biến mất
Còn căn phòng này sẽ rộng thênh thang
Nhưng sẽ vẫn còn những chiếc ghế, chiếc bàn
Và hình bóng giản đơn, cổ như trái đất.

Và cũng sẽ vẫn còn bay cao lắm
Con bướm màu vẫn mềm mại nhung tơ
Khẽ rung rinh hay sột soạt, lượn lờ
Chao đôi cánh giữa bầu trời xanh thắm.

Và đáy bầu trời cũng vẫn còn như vậy
Vẫn ngắm nhìn vào khung cửa mở toang
Và biển màu xanh vẫn đều đặn thẳng hàng
Vào khoảng không của mình luôn vẫy gọi.


NÀNG DÂU

Em ngồi bên cửa sổ
Buộc lại mái tóc xanh
Những vì sao toả sáng trong đêm
Và biển rì rào uể oải
Còn thảo nguyên mơ màng tê tái
Với tiếng reo bí ẩn của mình…
Ai người đã từng đến trước anh?
Ai người đến trước khi làm lễ cưới
Ai làm hồn em rã rời đến vậy
Bằng vẻ dịu dàng, đau khổ, tình yêu?
Ai người em trao thân với nỗi u sầu
Trước lần chia ly cuối.


CÒN ANH LẠI SẼ MỘT MÌNH

Thật lộng lẫy và sáng tỏ mùa xuân!
Em hãy nhìn mắt anh như ngày trước
Và hãy nói: tại vì sao em buồn
Tại vì sao em trở nên e ấp?
Còn em cứ như bông hoa, lặng im
Thì cứ lặng im!
Anh không cần biết
Anh hiểu ra vẻ e ấp vĩnh biệt
Còn anh, lại sẽ một mình!

  


HOA HỒNG JERICHO

Để thể hiện lòng tin vào cuộc sống bất tử, sự hồi sinh từ cõi chết, ở phương Đông từ xa xưa người ta đặt hoa hồng Jericho vào quan tài, vào mộ.

Thật lạ lùng rằng người ta gọi là hoa hồng, lại còn hoa hồng Jericho – một bó cọng gai giống như cỏ lông chông ở ta đây. Loài cây sa mạc này chỉ mọc trên cát sỏi ở vùng biển Chết, ở miền đồi núi Sinai không có người ở. Nhưng có huyền thoại rằng chính Ngài Savva khả kính đã chọn cho dân mình thung lũng Lửa, một thung lũng chết trơ trụi trong sa mạc Do Thái. Biểu tượng của sự hồi sinh đối với Ngài là hình một chó sói dữ, nó tô điểm cho Ngài hơn tất cả mọi thứ trên đời này.

Bởi vì con chó sói này quả là kì diệu. Bỏ xứ sở của mình chạy đi xa hàng nghìn dặm, rồi trong nhiều năm nó có thể nằm chết, có màu xám và khô. Nhưng khi đặt nó vào nước thì ngay lập tức nở ra, có nhiều lá nhỏ, có màu hồng. Và con tim người trần tội nghiệp sẽ hân hoan và được an ủi: trên đời này không có cái chết, không chết những gì một thời đã có! Không có sự chia lìa và mất mát cho đến một khi hãy còn sống tâm hồn ta, Tình yêu và Ký ức của ta!

Ta tự an ủi mình như vậy, sống lại trong ta những miền đất cổ xưa, nơi một thuở đã từng in dấu chân ta, ta sống lại những ngày hạnh phúc, nơi buổi trưa có mặt trời của cuộc đời ta đứng bóng. Khi hãy còn tràn đầy hy vọng và sức lực tràn đầy, khi tay trong tay với người con gái mà Chúa Trời sai làm người bạn đời của ta cho đến ngày xuống mộ. Lần đầu tiên ta đi về nơi xa lạ, cuộc du lãm của hôn nhân và chuyến hành hương về miền đất Thánh của Chúa Giê-su. Trong vẻ im lặng vô bờ của sự lãng quên và lặng yên muôn thuở, trước mặt ta là xứ sở Palestin – thung lũng Galilaia, những ngọn đồi Do Thái, là muối và vạc dầu của Pentapolis*. Nhưng khi đó mùa xuân, và trên tất cả mọi con đường của ta âm thầm nở hoa những bụi cây anh túc, những bông hoa đã từng nở thuở Rachel**, từng khoe vẻ đẹp những cánh đồng và những con chim nơi thiên đàng từng hót, một niềm vô tư khoái lạc qua câu ngụ ngôn trong Kinh Thánh đã dạy ta…

Hoa hồng Jericho. Vào trong nước sống của con tim, vào trong hơi mát thanh sạch của tình, ta đắm chìm trong ngọn nguồn của sự dịu dàng và buồn đau xưa cũ – và lại một lần nữa, lại một lần nữa ngọn lúa của ta kỳ lạ sống vất vưởng qua ngày. Hãy đi khỏi nơi đây, cái giờ khắc sẽ đến, khi nước sẽ khô khan, con tim sẽ héo hon – thì tro tàn của sự lãng quên sẽ bao trùm lêm hoa hồng Jericho của ta muôn thuở.
________________
Jericho – thành phố ở thung lũng Gioóc-đa-ni, phía bắc biển Chết.
*Pentapolis – vùng đất của năm thành phố: Sodom, Gomorrah, Admah, Zeboiim, Zoar.
**Rachel: vợ của Jacob.


2 nhận xét: