Thứ Hai, 19 tháng 12, 2016

Nelly Sachs - Giải Nobel Văn học năm 1966


Nelly Sachs (1891-1970) – nữ nhà thơ Đức gốc Do Thái, giải Nobel Văn học năm 1966.

Nelly Sachs sinh ngày 10-12-1891 trong một gia đình Do Thái giàu có ở Berlin. Từ nhỏ đã yêu thích âm nhạc, văn chương, làm thơ đăng trên một số báo và in một cuốn sách bao gồm những giai thoại và truyền thuyết. Năm lên 15 tuổi Nelly Sachs đọc tiểu thuyết Gostar Berlings Saga của nữ nhà văn Thụy Điển Selma Lagerlof (1858 - 1940), cuốn sách đã để lại trong lòng Nelly Sachs một ấn tượng vô cùng sâu sắc và cô đã viết thư cho Selma Lagerlof. Kể từ đó hai người tiếp tục thư từ cho đến khi Selma Lagerlof mất.


Năm lên 18 tuổi Nelly Sachs bắt đầu làm thơ về thiên nhiên và dựa trên những câu chuyện cổ tích, một số bài thơ được đăng trên các báo. Sau khi bố mất và Hitler lên nắm quyền ở Đức, Nelly Sachs cùng mẹ sống một cuộc sống thu mình, không tiếp xúc với xã hội bên ngoài.


Năm 1940, nước Đức đánh chiếm Châu Âu và khủng bố người Do Thái, Nelly Sachs trốn sang Thụy Điển và ở đây tiếp tục sáng tác và dịch thuật. Tập thơ đầu tiên sau chiến tranh của bà Trong ngôi nhà của tử thần xuất bản tại Đông Đức năm 1947. Thơ Nelly Sachs mang tư tưởng nhân đạo, thường nói về nỗi thống khổ và niềm hi vọng của dân tộc Do Thái, chịu ảnh hưởng bởi thơ ca truyền thống Do Thái và chủ nghĩa thần bí cổ đại Đức. Từ sau chiến tranh bà còn viết một số vở kịch, nhưng tác phẩm khiến bà nổi tiếng nhất là Trốn chạy và biến đổi (1959). Sau tập thơ này bà được trao giải thưởng Anetta von Droste Hulsoff và chính quyền Dortmund đã lập ra một giải thưởng văn học hàng năm mang tên Nelly Sachs và cấp cho bà một chế độ trợ cấp trọn đời.


Nelly Sachs được tặng nhiều giải thưởng, trong đó giải Nobel Văn học bà nhận cùng với nhà văn Do Thái khác là Shmuel Agnon. Nelly Sachs mất tại Stockholm ngày 12-05-1970.


Tác phẩm: 

- Trong ngôi nhà của tử thần (In den Wohnungen des Todes, 1946), thơ.
- Che mờ các ngôi sao (Stern ver dunkelung, 1949), thơ.
- Không ai biết được sẽ ra sao (Und niemand weiss weiter, 1957), thơ.
- Trốn chạy và biến đổi (Fluch und Verwandlung, 1959), thơ.
- Bí kịch về những đau khổ của Israel (Ein Mysterienspiel vom Leiden Israels, 1951), kịch.
- Những dấu hiệu trên cát (Zeichen im Sand, 1962), tập kịch.



CÁC DÂN TỘC TRÊN ĐỜI


Các dân tộc trên đời

hãy bằng sức mạnh những vì sao xa xôi
quấn vào như búp sợi
hãy đan, rồi tháo, rồi đan lại
cho trộn lẫn những lời
như cái tổ ong
châm chích cho thoả lòng
và để cho ong cắn lại.

Các dân tộc trên đời

chớ hủy hoại những lời hoàn vũ
chớ chia cắt bằng dao lòng thù hận khắp nơi
tiếng động sinh ra cùng hơi thở!

Các dân tộc trên đời

có ai không hiểu ngầm cái chết
khi nói “cuộc đời”
có ai không hiểu rằng máu thịt
khi nói “vành nôi”!

Các dân tộc trên đời

những lời nói nơi ngọn nguồn bỏ lại
bởi chúng sẽ quay về với
những chân trời
bằng mặt trái của mình
sự sơ suất che đêm lại
để những vì sao sẽ hồi sinh.


NHỮNG NGƯỜI GIÀ


Ở đây

Trong kho chứa của những ngôi sao này
Trời đêm che lên từng mảng
Họ đứng và đợi Chúa Trời.
Những móc sắt han gỉ cùm miệng họ
Lưỡi lặng câm. Chỉ những đôi mắt nói lời
Trong những đôi mắt – là những cái giếng xác chết chất đầy
Ô, những người già mang những đứa trẻ bị thiêu trong mắt
Như tài sản duy nhất của họ trên đời…

Những người già đứng đấy

Đêm cắt vào giấc ngủ
Vào bầu trời đêm họ dõi mắt nhìn
Họ đợi Chúa Trời với vì sao cháy lên.

Những bàn tay giơ vào trời xanh

Những đôi môi cháy sém
Những đôi môi câm nín
Trong tiếng kêu lạc lối những hành tinh.

Chỉ những đôi mắt không ngủ bao giờ

Bầy quạ đen trên đám mồi bay liệng
Chìm trong nước mắt và luôn tái hiện
Quạ canh chừng những đứa trẻ cháy thành tro.

Ô, những người già mang những nấm mồ:

Kí ức đắng cay của những ngày khiếp đảm!
Họ vẫn đợi, kiên gan, dù Chúa Trời im lặng
Không vội vàng từ xứ sở những vì sao…



*Năm 1966 Nelly Sachs được trao giải Nobel Văn học cùng với Agnon. Trong lời đáp ở buổi tiệc chiêu đãi Nelly Sachs nói rằng: “Agnon đại diện cho nhà nước Israel còn tôi đại diện cho thảm kịch của dân tộc Do Thái”.


Ngày 10-5-1933 ở Berlin, Đức quốc xã đem đốt hàng loạt sách “độc hại” do những tác giả người Do Thái viết ra. Trong số này có sách của H. Heine, S. Freud. S. Zweig, A. Einstein… Nhưng từ giữa thế kỉ 19 nhà thơ vĩ đại Heinrich Heine đã viết những lời tiên tri: “Nơi mà người ta đem đốt sách, rồi họ sẽ đốt người!”


Trong suốt những năm chiến tranh thế giới thứ hai Đức quốc xã thi hành chính sách giết hết người Do Thái. Bất kể đàn ông, phụ nữ, người già, trẻ con… Sáu triệu người Do Thái bị giết ở Đức và các nước châu Âu bị Đức chiếm đóng. Đây là một trang bi thảm nhất trong toàn bộ lịch sử dân tộc Do Thái.


Trong những năm kinh hoàng này Nelly Sachs cùng với mẹ đã kịp rời nước Đức trên chuyến tàu cuối cùng sang Thụy Điển. Đến Thụy Điển những năm đầu bà làm đầu bếp, sau đó là dịch thuật và tiếp tục sáng tác. Bà viết trong hồi kí của mình: “Tôi viết để mà tồn tại. Tôi cháy lên trong lửa với những ai ở đấy… Nhưng tôi phải sống để cho những người khác biết về tất cả…” Khi nghe tin về cái chết của người yêu, những người bà con, bạn bè thì phong cách thơ của bà thay đổi hẳn. Những lò thiêu, nhà hỏa táng và những nỗi cực hình luôn có mặt trong thơ bà…


Thơ của Nelly Sachs độc đáo ở hình thức lạ. Dường như toàn bộ thơ bà tạo thành một khúc tưởng niệm. Dưới những vẻ khác nhau chúng hợp thành một bài thơ lớn. “Những khúc Khải huyền tôn giáo này – nhà thơ, nhà phê bình Anh, Stephen Spender (1909-1995) viết – là sự thể hiện tính cách Do Thái, vô cùng mạnh mẽ, cuộc đời sánh ngang với cái chết và ngược lại…” Thơ của Nelly Sachs, có lẽ, là câu trả lời cho câu nói nổi tiếng của nhà triết học, nhà phê bình Đức, Theodor Adorno (1903-1969): “Sau Oswiecim(1) không nên làm thơ nữa”. Nghĩa là thơ ca, bằng cách nào đấy, phải viết khác đi… Quả vậy, thơ của Nelly Sachs không dễ đọc (dịch sang tiếng Việt lại càng khó khăn hơn). Đấy là sự khó nhọc của tâm hồn nhưng nếu xuyên qua được bức tường thì sẽ hiểu hơn về con người nói chung, hiểu về bản thân mình nhiều hơn, hiểu hơn về sự tồn tại cao cấp và đầy bi kịch của con người.


“Những người già” là một bài thơ không có vần bắt đầu bằng tiếng kêu “ở đây”. Những người già đứng ở đây. Họ không làm gì cả, họ chỉ đứng và đợi Chúa Trời. Chúa Trời ở đây không giống với Chúa Trời trong Kinh Thánh – là vị cứu tinh đối với con người trong những tình huống tuyệt vọng, còn ở đây, những người ở “trong kho chứa của vì sao” thì Ngài không thể cứu được họ. Những người già cũng không giống với Job đã gọi Chúa Trời, kêu với Ngài về những đau khổ của mình. Những người già chỉ biết đứng chờ trong tuyệt vọng. Họ đã mất không chỉ hy vọng mà cả lời nói “những cùm sắt han gỉ cùm miệng họ”. Những cùm sắt này hiểu theo truyền thống tôn giáo cho ta liên tưởng với cái mũ gai người ta đã đội lên đầu Chúa Jêsus trước khi đem Chúa đi đóng đinh (Tân Ước_Ma-thi-ơ 27:28). “Lưỡi lặng câm. Chỉ những đôi mắt nói lời…” Chỉ đôi mắt – cửa sổ tâm hồn – có thể biểu hiện được nỗi đau, nỗi tuyệt vọng tràn ngập trong lòng họ. Nelly Sachs mô tả: “những đôi mắt – là những cái giếng xác chết chất đầy”. Giếng là nơi con người lấy nước, giếng cần cho sự sống của con người. Nhưng giếng xác chết chất đầy thì không thể còn sử dụng được nữa. Giếng cũng bị tước mất chức năng của mình là cung cấp nước cho người…


Những người già được nói đến trong bài thơ này không hẳn là những người già cả mà chỉ đơn giản họ là những người sống sót qua những năm tháng khủng khiếp kia và bây giờ họ trở thành những người già. Họ bị mất tất cả: tài sản, gia đình, cả tiếng nói và cả niềm hy vọng. Họ đã chịu đựng quá nhiều đau khổ nên đã không còn cảm nhận được nỗi đau, nước mắt đã không còn trong những đôi mắt của họ. Chỉ còn lại một thứ duy nhất trong đó – “những đứa trẻ bị đốt thành tro”. ở đây qui luật tự nhiên bị phá vỡ – những đứa trẻ đáng lẽ phải sống tiếp sau bố mẹ mình nhưng vì chúng bị thiêu trong lò gas nên chỉ còn lại những người già… Bài thơ kết thúc bằng hình ảnh Đức Chúa Trời, mặc dù Chúa đã không can thiệp, không giúp được gì cho họ nhưng họ vẫn đợi, vẫn kiên gan và vẫn tin rằng Ngài đang ở đâu đó. Hình tượng Chúa ở đây nói lên nhiều điều. Một mặt, cho thấy tình trạng tuyệt vọng đến tận cùng. Người ta đợi mà không còn mong một điều gì - đây là tình trạng mong manh giữa sự sống và cái chết. Mặt khác, sự tuyệt vọng được gắn liền với hình tượng Chúa – là Đấng Tối Cao mà con người vẫn đặt vào tất cả hy vọng (không quan trọng là sự tồn tại hay sự có mặt của Ngài). Và trái ngược với những điều được nói đến trong bài thơ, thức dậy ở người đọc một tình cảm, một ý nghĩ rằng, dù sao vẫn tồn tại Đức Chúa Trời, chỉ đơn giản là lúc đó Ngài không có mặt. Tồn tại – bởi vì người ta vẫn gọi tên Ngài, còn không có mặt – là bởi vì người ta vẫn đợi.

_____________________________
(1)Oswiecim (tiếng Ba Lan); Auschwitz (tiếng Đức) – thành phố ở miền nam Ba Lan. Trong những năm 1940-1945 là trại giam của phát xít Đức. Hơn 4 triệu người bị giết chết trong trại giam này.


ANH Ở NƠI ĐÊM Ở

Anh ở
nơi đêm ở
cùng với những người học quên cõi trần gian
từ xa xăm
ngón tay của anh điểm tô trận đấu
bằng tiếng nhạc của bản đồ một biển xa xăm
những nốt nhạc trong đôi tai của anh
những cây cầu là cơ sở
từ Đây đến Đó
và một nhiệm vụ giản đơn
mà câu trả lời
chỉ những người đang hấp hối biết.


KHOẢNG LẶNG NGỪNG

Vào giờ khắc
Khi thời gian trở nên trong suốt
Và mặt trời khuất sau chân trời
Trên ngôi mộ chung hoa lá phủ đầy
Thì cuộc sống ở bên kia thế giới
Sẽ báo tin về người.

Sự ánh lên của những cành lá cọ
Là chân lý của sự cô độc hoang vu.

Cuộc đời trước
Trong lời cầu nguyện ánh lên
Và ngủ yên trên mạch nguồn cẩm thạch
Từ đôi tai của vỏ ốc
Tiếng nhạc vang lên.

Ô đại dương mênh mông trong đôi tai nhỏ nhắn
Ôi vũ điệu của tình
Bìa của cuốn sách thời gian mỏng mảnh.

Đấy từng là cuộc sống
Giấc ngủ dửng dưng trong không gian ma thuật màu đen
Cái gai nhọn bị lãng quên
Và hoa hồng nhuốm máu
Thấm vào ký ức đã từng.

Tia chớp hình răng cưa
Chiếu vào vũ hội hóa trang của bão
Bờ xương voi
Chìm vào bóng tối.
  

KHI NGÀY LẶNG NGỪNG

Khi ngày lặng ngừng
vào buổi hoàng hôn
khi giờ không hình thức đến
những giọng cô đơn hòa quyện vào nhau
khi động vật không trở nên thú dữ
hoặc những con mồi
chỉ những bông hoa là vẫn có mùi
khi tất cả trở thành vô danh tiếng
như đã từng trong buổi Đầu Tiên
anh đi dưới hầm mộ của thời gian
mà người mở cửa là người đứng ở Cuối Cùng
ở đó những con tim đang lớn
trong bản chất tối đêm
và anh đi xuống
cái chết đã ở lại sau lưng
nó chỉ là một điểm thoáng qua trên con đường
và anh đừng nhìn về phía cửa
mà đôi mắt hãy mở
để thấy một ngôi sao mới

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét